THANH XUÂN VÀ VĂN HÓA HỌC
bởi quản trị viên |
Date: 08-04-2018
Hè về, những chú ve lại hát lên bản đồng dao mùa hạ. Sài Gòn mùa này nắng lắm, báo hiệu một mùa chia tay của những tà áo trắng cắp sách đến trường. Cách đây bốn năm, chúng tôi đã trao nhau những cái ôm, những lời chúc, và cả những giọt nước mắt để tạm biệt mười hai năm đèn sách. Bốn năm sau, một lần nữa, lời chia tay sắp phải thốt lên, nhưng với những người bạn khác, với một nơi khác và với những cảm xúc khác.
Bốn năm, quãng thời gian ngồi trên giảng đường đại học, không hẳn là dài, nhưng cũng không hề ngắn- đủ để người ta thay đổi, đủ cho ai đó trưởng thành hơn.
Bốn năm trước, tôi khăn gói chuẩn bị hành trang để đến một nơi, nơi tôi đã gửi gắm những ước mơ, những khát vọng - Sài Thành. Lần đầu tiên đứng trước cổng trường Đại học Văn hóa TPHCM, tôi như một đứa trẻ lạc vào thế giới của đồ chơi, ngỡ ngàng, lạ lẫm nhưng đầy thích thú. Và câu chuyện của bốn năm bắt đầu.
Những vùng đất mới
Đó là những chuyến điền dã khám phá những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, tìm hiểu những giá trị văn hóa khác nhau của những cộng đồng khác nhau. Một ngày sau mùa gặt lúa, tôi có mặt tại Bến Lức, Long An để tìm hiểu về một loại rượu nổi tiếng nơi đây, rượu Gò Đen. Hay một sáng đầu tháng 5, trải qua 12 giờ đồng hồ ngồi trên xe, tôi đặt chân đến xứ sở “Hoa vàng trên cỏ xanh” – Phú Yên, tìm hiểu về phong tục tập quán đồng bào Ê Đê nơi đây… Những chuyến đi ấy không chỉ để phục vụ cho quá trình học tập mà với tôi đó còn là một sự trải nghiệm thực tế, được tận mắt chứng kiến, va chạm, giao lưu những ngôn từ, màu sắc, “mùi vị” của những vùng văn hóa khác nhau. Sau mỗi lần như vậy, tôi dần biết cách tự điều chỉnh và thích nghi với mỗi cộng đồng khác nhau, học được cách trò chuyện với người lạ, bổ sung cho mình những góc nhìn mới về lịch sử, ngôn ngữ qua những “nhân chứng sống”, học cách quan sát sự việc và xử lý tình huống trong từng trường hợp khác nhau. Sau tất cả tôi nhận ra một điều rằng, cuộc sống có rất nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn và cần khám phá. Nó khoác lên màu xanh cho những lý thuyết khô ráp ở giảng đường đại học. Chính những chuyến đi ấy là động lực cho tôi kiếm tìm những vùng đất mới, những chân trời mới.
Những trải nghiệm mới
Đó là chuyến thực tập mở ra những trải nghiệm, những kinh nghiệm quý báu, giúp chúng tôi tự tin mang hành trang văn hóa học vào nghề nghiệp, cuộc sống. Sau hai tháng ấy, tôi nhận được những gì? Bài học lớn nhất mà tôi nhận được chính là sự chủ động. Chủ động tìm nơi thực tập, chủ động làm quen với mọi người, chủ động tìm hiểu công việc tại nơi thực tập, chủ động đề xuất và cùng làm việc với mọi người. Bài học tiếp theo là sự tự tin, trưởng phòng nơi tôi thực tập đã nói với tôi rằng: “Bất cứ khi làm việc gì, con phải tự tin lên, chỉ có tự tin con mới thành công”. Bên cạnh đó là những bài học nằm ngoài giáo trình, nằm ngoài những gì tôi từng tưởng tượng, giúp tôi trưởng thành hơn trong việc nhìn nhận, xem xét và giải quyết vấn đề. Được làm việc trong môi trường thực tế, được trao cơ hội để áp dụng những kiến thức đã học vào công việc đã giúp tôi nhanh chóng nhìn thấy những lỗ hổng của bản thân để có thể tiếp tục hoàn thiện mình qua từng ngày.
Thực sự, trải qua bốn năm ở ngôi nhà văn hóa học, những gì tôi học được không chỉ gói gọn như vậy, mà chính là sự trưởng thành của bản thân. Sự trưởng thành ấy, có thể chúng ta không dễ dàng nhận ra nhưng thực sự nó đang làm tôi thay đổi. Và hy vọng với những ai sắp chia tay thời thanh xuân trên giảng đường, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho bản thân mình để vững chân bước vào một cuộc sống đầy sắc màu văn hóa.
Văn hóa học - chuyên ngành tôi theo đuổi trong những năm tháng đại học đã cho tôi nhiều trải nghiệm như thế.
Lê Băng-VHH8