VĂN HÓA HỌC VÀ NHỮNG BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG

bởi quản trị viên | Date: 06-04-2018

Có một câu nói rất hay của G.S Phan Ngọc  rằng “Không có cái gì lại không có cái mặt văn hóa của nó”. Câu nói này đúng trong mọi hoàn cảnh và chúng tôi thấy rõ hơn điều này với minh chứng là chặng đường học tập, trải nghiệm, lĩnh hội tại mái nhà Văn hóa học, trường  Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh- một ngành học vừa mang tính nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa vừa mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Sự kết hợp của tính hàn lâm và tính ứng dụng trong chương trình đào tạo cử nhân văn hóa học đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng mới mẻ cũng như những cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà theo chúng tôi, không phải ngành học nào cũng có được.


 

Các hoạt động ngoại khóa, thực tế môn học

Trên hành trình bốn năm, chúng tôi được trao truyền những kiến thức nền tảng và chuyên sâu bởi các giảng viên chuyên môn tận tâm ở giảng đường. Các kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm luôn được áp dụng trong các học phần để chúng tôi có cơ hội rèn luyện bản thân. Ngoài học tập ở giảng đường, chúng  tôi  luôn được khuyến khích tham dự các buổi tọa đàm và hội nghị khoa học có liên quan đến chuyên ngành do Trường, Khoa tổ chức. Đây là một trong những cơ hội rất lớn để chúng tôi học hỏi, lắng nghe những chuyên gia đầu ngành chia sẻ từ đó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho những chặng đường phía trước. Các hoạt động ngoại khóa như: tham quan các Bảo tàng, đình chùa, tham dự các lễ hội, sự kiện văn hóa cũng được Khoa quan tâm và tạo điều kiện để sinh viên chúng tôi có những cái nhìn, quan sát thực tế, cọ xát thực tiễn, từ đó làm sinh động, “mềm hóa” những lý thuyết ở giảng đường. Hơn thế, sinh viên bước đầu có những nhận xét, đánh giá, tổng hợp của riêng mình về các hoạt động văn hóa-xã hội.

Đặc biệt, trong chương trình học, chúng tôi luôn có những chuyến đi quý báu đến các vùng đất mới để tìm hiểu văn hóa và cảm nhận những giá trị văn hóa từ cuộc sống. Tiêu biểu như chuyến đi thực tế tại xã Đắc Nia, TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông. Chúng tôi đã cùng ăn- cùng ở- cùng làm với bà con người Mạ tại địa phương để tìm hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa của người dân nơi đây. Những bài học từ giảng đường từ cách ứng xử, giao tiếp đến cách “nhập gia tùy tục” khi đến một vùng đất mới, với một màu sắc văn hóa mới đã được phát huy tác dụng một cách tối đa. Chúng tôi được hướng dẫn cách trò chuyện khéo léo với bà con người Mạ vốn rụt rè; được hướng dẫn cách quan sát và phân tích cũng như ghi nhận những nét văn hóa độc đáo, hòa mình vào lối sống của người bản địa, từ đó bước đầu có những sản phẩm nghiên cứu về văn hóa cộng đồng nơi mình tham dự.        

 

Thực tập giữa khóa

Hoạt động thực tập giữa khóa là thời gian vô cùng quan trọng sau thực tập tốt nghiệp.  Đây cũng là khoảng thời gian sinh viên chúng tôi có nhiều trải nghiệm nhất. Với những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị sau hơn hai năm học tập, chúng tôi đã ít nhiều có sự chủ động trong việc tiếp cận với người dân địa phương, cộng đồng để tìm hiểu, nghiên cứu theo đề tài đã được chọn.

Lớp Văn hóa học 7 của chúng tôi được chia thành các nhóm, tập trung nghiên cứu đề tài “Tìm hiểu về các phương thức mưu sinh của cư dân tại xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long” (2016). Với chúng tôi, quãng thời gian này đã để lại nhiều kỉ niệm khó phai cả về hoạt động chuyên môn lẫn sự gắn kết của cộng đồng, tập thể lớp. Hành trình một tháng “ba cùng” với người dân miền sông nước, chúng tôi thấy mình lớn lên ,trưởng thành hơn qua từng ngày khi chủ động tiếp cận với cộng đồng, cư dân. Văn hóa vùng sông nước Nam Bộ được học nhiều qua sách vở, nhưng chỉ có chuyến đi thực tế, được trò chuyện, lắng nghe, cảm nhận mới thấy nó có sức hấp dẫn lạ kì. Theo sát đề tài chúng tôi được nhìn tận mắt, tận tay thực hiện các hoạt động lao động, các hình thức mưu sinh cùng bà con; lắng nghe người dân nơi đây kể về lịch sử hình thành, phát triển và biến đổi của ngành nghề, phương thức mưu sinh của họ. Đằng sau đó là tâm tư của những con người lao động vất vả, chất phác nhưng giàu tình cảm, tình yêu với cuộc sống. Quả là khi áp dụng những gì mình học, kĩ năng, phương pháp vào môi trường thực tế và thu được những kết quả  thì đó là một điều thật sự tuyệt vời.

Những chuyến đi điền dã thật sự đã mê hoặc các cô cậu sinh viên Văn hóa học chúng tôi.

Các hoạt động Đoàn, Hội

Bên cạnh những kiến thức tích lũy từ giảng đường, những chuyến đi điền dã, thực tế, sinh viên Văn hóa học chúng tôi còn cảm nhận những bài học cuộc sống từ các hoạt động Đoàn sinh viên, Hội sinh viên. Đây cũng là một phần khẳng định cái “chất” Văn hóa học.

Tiêu biểu cho hoạt động này là chương trình Sắc màu văn hóa do Đoàn khoa Văn hóa học tổ chức hằng năm đã để lại những dấu ấn khó phai không chỉ đối với sinh viên văn hóa học mà đối với nhiều sinh viên năng động thuộc các khoa khác nhau trong trường. Mỗi năm một chủ đề văn hóa với cách thức, hình thức tổ chức đa dạng đã tạo cho sinh viên cơ hội phát huy những thế mạnh của mình, gắn kết các thành viên trong gia đình văn hóa học nói riêng và đại học văn hóa nói chung, tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích và luôn được chờ đón. Hành trình 10 năm của Khoa Văn hóa học cũng là hành trình đầy sắc màu văn hóa như vậy.

Hi vọng chặng đường bốn năm ấy sẽ giúp mỗi sinh viên chúng tôi tích lũy kiến thức chuyên ngành, kĩ năng nghiệp vụ để chúng tôi khi rời khỏi giảng đường đại học có thể vững tâm, tự tin khi tìm kiếm công việc, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Cảm ơn mái nhà Văn hóa học, nơi đưa chúng tôi đến đam mê!

Lê Thuận  - VHH7

Từ khóa: