SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA HỌC GIAO LƯU VỚI SINH VIÊN MALAYSIA

bởi quản trị viên | Date: 04-04-2018

Sáng chủ nhật ngày 23 tháng 4 là một ngày khá đặc biệt. Tôi nhận được một cuộc gọi từ Khoa Văn hóa học, gợi ý là ngày 4/5/2017 sẽ có một đoàn khách từ Trường đại học Universiti Teknologi sẽ sang thăm Trường Đại học Văn hóa Tp.Hồ Chí Minh. Trong chương trình giao lưu giữa đại diện sinh viên hai trường sẽ có phần thuyết trình về đặc trưng văn hóa Việt Nam. Và niềm vinh dự đó đã được Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế tin tưởng trao cho sinh viên khoa Văn hóa học. Cuộc gọi vào sáng chủ nhật là để bàn về điều đó.


 
Thật sự khi đó, chúng tôi khá bất ngờ vì được các thầy cô tin tưởng trao cho một cơ hội tốt để có thể rèn luyện, trau dồi kỹ năng. Tôi nhận lời với lời hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng quả thật cũng không ít băn khoăn, lo lắng.
 
Nhóm 5 sinh viên văn hóa học chúng tôi bắt tay ngay vào công việc và nhận ra đây không hề là vấn đề đơn giản, đặc biệt là đối với những sinh viên năm thứ hai, chưa có nhiều môn học chuyên ngành để chúng tôi có thể tích lũy kiến thức chuyên sâu về văn hóa Việt Nam. Dù trong quá trình học trên giảng đường, chúng tôi đã từng cùng nhau thực hiện rất nhiều bài thuyết trình nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi phải thực hiện một bài thuyết trình bằng tiếng Anh để giới thiệu với khách nước ngoài với yêu cầu là ngắn gọn, súc tích nhưng làm nổi bật được đặc trưng văn hoá Việt Nam. Do đó, ban đầu chúng tôi khá áp lực.
 
Thứ hai là vấn đề về thời gian. Chúng tôi chỉ có đúng 1 tuần để chuẩn bị bài thuyết trình và nộp về Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế để chỉnh sửa cách dùng từ, chính tả, văn phong,.. Đây cũng là khoảng thời gian chương trình học của chúng tôi có rất nhiều bài kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra kỹ năng của nhiều học phần khác nhau nên thời gian chúng tôi có thể cùng nhau để chuẩn bị bài thuyết trình là không nhiều, đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm phải đạt hiệu quả cao nhất. May mắn là trong chương trình học của khoa Văn hóa học chúng tôi, hầu hết các học phần từ cơ sở ngành đến chuyên ngành đều chú trọng vào kỹ năng làm việc nhóm thông qua các hình thức như tiểu luận, bài thu hoạch, thuyết trình, thực hành, thực tế môn học,... nên chúng tôi có thể tự tin hơn để thể hiện khả năng của mình. Thêm vào đó, nhóm chúng tôi đều là những cán bộ Đoàn – Hội và đã từng có kinh nghiệm hoạt động nhóm, hoạt động đoàn thể nên việc hoạt động nhóm đối với chúng tôi cũng không quá khó khăn.
 
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó là nội dung của bài thuyết trình và cách thức để tạo ấn tượng tốt nhất đến với các bạn sinh viên Malaysia. Ban đầu, nhóm có năm người thì có năm ý kiến hoàn toàn khác nhau. Người đề xuất thuyết trình về tín ngưỡng thờ Mẫu, người thì thiên về học thuyết Âm dương – Ngũ hành, người khác lại gợi ý về mã văn hoá trong trang phục Việt Nam, người thì cho rằng văn hoá làng xã Việt Nam là đặc trưng dễ thấy nhất, người khác nữa lại nhất quyết rằng văn hóa ẩm thực Việt Nam là phù hợp nhất… Chúng tôi đã ngồi với nhau hơn 3 giờ đồng hồ để trả lời một câu hỏi duy nhất và mấu chốt nhất: Nên chọn điều gì để giới thiệu với các bạn sinh viên Malaysia?
 
Sau đó, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều phương án khác nhau:
 
Phương án đầu tiên là giới thiệu về Áo dài Việt Nam, vì từ “áo dài” đã được Oxford đưa vào từ điển, nghĩa là từ ngữ dùng cho một loại trang phục đặc biệt của một quốc gia. Phương án này sau đó không thực hiện được vì chúng tôi không có đủ thời gian, tư liệu để thực hiện tốt phần thuyết trình.
 
Phương án thứ hai là giới thiệu về Phở. Đây cũng là một món ăn mà từ điển Oxford trân trọng để bằng tiếng Việt. Ban đầu, đây được xem là một phương án khả thi nhưng cuối cùng khi lên kế hoạch thì lại rơi vào thế bí vì yêu cầu căn bản nhất của thưởng thức Phở là món ăn phải nóng, trong khi với điều kiện về thời gian của buổi giao lưu, chúng tôi khó có thể thực hiện tốt nhất. Chúng tôi nhận thấy tất cả các phương án được liệt kê ra như nấu tại chỗ, mua để sẵn rồi hâm nóng lại, gần hết bài thuyết trình thì cử người đi mua… đều không khả thi.
 
Cuối cùng, phương án được nhóm thống nhất cao là giới thiệu về bánh chưng, bánh giầy.
 
Ngay lập tức, chúng tôi bắt tay xây dựng bố cục của bài thuyết trình. Mã lịch sử của bánh chưng, bánh giầy trong truyền thuyết Lang Liêu; triết lý âm dương – ngũ hành thông qua thành phần và nguyên liệu; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thông qua việc sử dụng bánh chưng, bánh giầy làm vật thờ cúng ông bà; tính cộng đồng của người Việt Nam thông qua việc cùng nhau chuẩn bị gói và nấu bánh chưng… công việc được phân công cho từng người phù hợp với khả năng và hiểu biết của họ.
 
Rồi ngày giao lưu cũng đến. Phần giao lưu giữa hai trường diễn ra rất sôi nổi thông qua các hoạt động văn nghệ, nghệ thuật dân gian… Sau bài thuyết trình của nhóm chúng tôi, phần cắt bánh chưng bằng dây lạt là phần được trông đợi khá nhiều. Các bạn sinh viên Malaysia tỏ ra rất thích thú và quan tâm đến cách gói, cách làm cũng như ý nghĩa của nó trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Một bạn sinh viên Malaysia còn rất ngạc nhiên khi biết bánh chưng có thời gian nấu lên đến 10 tiếng và cho rằng ở quốc gia bạn không có món bánh nào được chế biến lâu đến vậy.
 
Buổi giao lưu đã giúp chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ về đất nước con người và văn hoá của Malaysia. Các bạn sinh viên nước bạn đ
ã giới thiệu cho chúng tôi về văn hoá trang phục của đất nước họ với bộ Baju Kurung, văn hoá dân gian truyền khẩu với những thể loại thơ như pantun, syair, seloka, madah, những bài hát dân gian, sử thị và truyện ma…
 
Hơn thế, sau buổi giao lưu, có một điều mà chúng tôi cảm nhận rất rõ, đó là chúng tôi cảm thấy yêu hơn đấ
t nước, con người và văn hóa Việt Nam; giúp chúng tôi tự tin hơn với con đường mình đã chọn: tìm hiểu, học tập, nghiên cứu để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam ./.
 

Từ khóa: